Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020
- TK. Giác Hoàng
- | Thứ Tư, 20:16 17-06-2020
- | Lượt xem: 4503
Kính bạch chư Tôn đức,
Sau đây là một số hoạt động đã và đang diễn ra trong phạm vi của Ban Tăng sự quản lý:
1. Nhân sự
Trưởng ban: HT. Minh Bửu
Phó ban: HT. Giác Pháp
Thành viên:
GĐ I: HT. Giác Hảo, TT. Giác Hy
GĐ II: HT. Giác Minh, ĐĐ. Giác Trực
GĐ III: HT. Giác Thành, TT. Giác Duyên
GĐ IV: TT. Minh Lộc
GĐ V: HT. Giác Nhân
GĐ VI: TT. Giác Nhuận
Thư ký: TT. Giác Hoàng
Phó Thư ký: ĐĐ. Minh Thái
NGHPKS: NT. Tân Liên (Gò Công), NT. Viên Liên, NS. Hòa Liên (NP), NS. Tuệ Liên.
NGGĐ I: NT. Yến Liên, NS. Huệ Liên.
NGGĐ III: NT. Hiệp Liên, SC. Hiếu Liên.
NGGĐ IV: NT. Thông Liên, NT. Mai Liên, NS. Tuyết Liên, NS. Hạnh Liên.
2. Số lượng chư Tăng và tịnh xá
Chư Tăng: 912 vị.
Tịnh xá: 224 ngôi.
Giáo đoàn I:
Tăng: 118 vị (Tỳ-kheo: 85 vị, Sa-di: 12 vị, Tập sự: 11 vị).
Tịnh xá: 23 ngôi (Hoạt động chính thức: 22 ngôi. Đang làm thủ tục: 01 ngôi).
Giáo đoàn II:
Tăng: 67 vị (Hòa thượng: 6 vị, Trưởng lão: 1 vị, Thượng tọa: 5 vị, Tỳ-kheo: 55 vị; Sa-di: 7 vị; Tập sự: 5 vị).
Tịnh xá: 19 ngôi (Hoạt động chính thức: 17 ngôi. Đang xin phép đã cho sinh hoạt: 2 tịnh xá và 1 tịnh thất).
Giáo đoàn III:
Tăng: 368 vị (Tỳ-kheo: 219 vị. Sa-di: 83 vị. Tập sự: 66 vị).
Tịnh xá: 89 ngôi (Hoạt động chính thức: 58 ngôi. Đang làm thủ tục: 31 ngôi).
Giáo đoàn IV:
Tăng: 152 vị (Tỳ-kheo: 120 vị. Sa-di: 24 vị. Tập sự: 8 vị).
Tịnh xá: 41 ngôi.
Giáo đoàn V:
Tăng: 155 vị (Hòa thượng: 14 vị, Thượng tọa: 8 vị, Tỳ-kheo: 88 vị, Sa-di: 45 vị).
Tịnh xá: 33 ngôi (32 ngôi tịnh xá và 1 tịnh thất). (Hoạt động chính thức: 30 ngôi. Đang làm thủ tục: 03 ngôi).
Giáo đoàn VI:
Tăng: 52 vị (Tỳ-kheo: 41 vị, Sa-di: 11 vị).
Tịnh xá: 19 ngôi (Hoạt động chính thức: 16 ngôi. Đang làm thủ tục: 3 ngôi).
Ni giới NGHP:
Ni chúng (trong nước): 1306 vị (Ni trưởng: 76 vị, Ni sư: 200 vị, Sư cô: 626 vị, Thức-xoa: 123 vị, Sa-di-ni: 118 vị, Tập sự tiểu: 163 vị).
Ni chúng (hải ngoại): 50 vị.
Tịnh xá: 321 (tịnh xá: 216, tịnh thất: 11, chùa: 23, niệm Phật đường: 1, Thiền viện: 1, chưa chính thức: 70)
Ni giới Giáo đoàn I:
Chư Ni: 87 vị (Tỳ-kheo-ni: 65 vị, Thức-xoa: 06 vị, Sa-di-ni: 12 vị, Tập sự: 4 vị).
Tịnh xá: 18 ngôi (Hoạt động chính thức: 11 ngôi. Đang làm thủ tục: 07 ngôi).
Ni giới Giáo đoàn III:
Chư Ni: 321 vị (Ni trưởng: 3 vị, Ni sư: 27 vị, Tỳ-kheo-ni: 180 vị, Thức-xoa: 35 vị, Sa-di-ni: 40 vị, Tập sự: 36 vị).
Tịnh xá: 54 ngôi (Hoạt động chính thức: 36 ngôi. Đang làm thủ tục: 18 ngôi).
Ni giới Giáo đoàn IV:
Chư Ni: 289 vị (Ni trưởng: 13 vị, Ni sư: 42 vị, Tỳ-kheo-ni: 166 vị, Thức-xoa: 16 vị, Sa-di-ni: 22 vị, Tập sự: 22 vị, Tiểu Ni: 5 vị, Tịnh nhơn: 3 vị).
Tịnh xá: 49 ngôi; Tịnh thất: 8 ngôi.
Ni giới Giáo đoàn VI:
Chư Ni: 43 vị (Tỳ-kheo-ni: 37 vị, Thức-xoa: 5 vị, Sa-di-ni: 1 vị).
Tịnh xá: 9 ngôi.
Tổng số chư Tăng: 912 vị. Tổng số chư Ni: 2046 vị.
Số lượng tịnh xá Tăng: 224 ngôi. Số lượng tịnh xá Ni: 459 ngôi
Như vậy: Tổng số chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ: 2958 vị.
Tịnh xá Hệ phái: 683 ngôi.
3. Lễ Truyền giới
Trong giai đoạn Tổ sư Minh Đăng Quang còn hiện tiền, việc truyền giới được tổ chức khi hội đủ các yếu tố: Giới tử có đầy đủ giới hạnh được Bổn sư giới thiệu, túc số Giới sư đủ theo yêu cầu của đàn giới Tỳ-kheo hay Sa-di và một trú xứ thanh tịnh, trang nghiêm thích hợp đủ để truyền giới. Điều này rất tương hợp với các bộ Luật đang được lưu hành ngày nay.
Đến giai đoạn sau này, vì điều kiện không được như xưa, nên chư Tôn đức quy định vào những ngày chư Tôn đức Tăng về đông như rằm tháng 7 (âl) trong dịp Tự Tứ, mùng 1 tháng 2 (âl) nhân Lễ Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng, ngày Giỗ đức Nhị Tổ (Giáo đoàn I) nhằm 17 tháng 6 (âl), hoặc tưởng niệm Đức Thầy Giác Lý ngày 23 tháng 2 (âl) (Giáo đoàn V). Như vậy, tùy từng trường hợp Giáo đoàn mà tổ chức truyền giới.
Sau 1990, các Giáo đoàn tổ chức truyền giới Tỳ-kheo tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh). Từ năm 2013, Đại giới đàn Quảng Đức cho phép Hệ phái tổ chức Phân đàn truyền giới Khất sĩ như truyền thống xưa nay là một nhân duyên thù thắng. Từ đó đến nay, 2 năm một lần, Phân đàn Truyền giới của Hệ phái được tổ chức tại TP. HCM.
Dự kiến trong năm tới, nếu xin được sự chuẩn y của Giáo hội, mỗi năm Hệ phái tổ chức truyền giới theo GIỚI ĐÀN tại TP. HCM hoặc các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương v.v…
Trong thời gian qua, Nghi thức Truyền giới của Hệ phái đã được Hòa thượng Giác Pháp biên soạn dựa theo Luật Tứ phần đã áp dụng cho các đàn giới rất hiệu quả. Tuy nhiên, để phù hợp cho mỗi đàn giới Tỳ-kheo / Sa-di và bổ sung nghi thức khai mạc và bế mạc cũng như chương trình dò giới cho mỗi thứ bậc đều phải được thể hiện bằng văn bản cho rõ ràng, cụ thể hơn.
4. An cư kiết hạ
- Khóa An cư chư Tăng
An cư là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ xưa đến nay dù theo truyền thống Vũ an cư hay Hạ an cư. Hệ phái Khất sĩ thọ trì Luật Tứ phần, nên từ năm 1980, với khóa Hạ đầu tiên được tổ chức tại Tịnh xá Trung Tâm. Năm 2014, khóa An cư được dời về Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM). Năm 2018 – 2019, khóa An cư được dời về Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long). Số lượng hành giả các Giáo đoàn Tăng mỗi năm An cư khoảng 100-140 vị.
Năm nay (2020), khóa An cư kiết hạ của Hệ phái được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM). Số lượng An cư: 100 vị.
Thời gian nhập hạ: 16 tháng 4 (nhuần) năm Canh Tý. Thời gian giải hạ: 10 tháng 7 năm Canh Tý.
Mặc dù GHPGVN TP.HCM ra công văn yêu cầu phải giải hạ sau 90 ngày kiết giới, nhưng vì tính đặc thù của Hệ phái nên việc giải chế phải kết thúc trước để các Giáo đoàn về Tự Tứ tại mỗi Giáo đoàn.
Ngoài điểm An cư Hệ phái tập trung ra, năm nay Giáo đoàn I có kiết giới trường An cư tại chỗ nơi Tổ đình Minh Đăng Quang do Hòa thượng Giác Giới làm Thiền chủ. Một số tỉnh cao nguyên và miền Trung thì có một số điểm an cư chung ngắn ngày hoặc về tụng giới chung như: Tịnh xá Ngọc Thiền (Đà Lạt, Lâm Đồng) do HT. Giác Ngộ làm thiền chủ, Tịnh xá Ngọc Đạt (Đăk Nông) do Đại đức Giác Nhường làm Hóa chủ, Tịnh xá Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) do HT. Giác Phương làm Thiền chủ, Tịnh xá Ngọc Phúc (Pleiku, Gia Lai) do HT. Giác Thành làm Thiền chủ. Ở Bình Định thì 3 miền tịnh xá luân phiên làm điểm tụng giới của Hệ phái: Tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá), Ngọc Sơn (Tuy Phước), Ngọc Nhơn (Quy Nhơn).
- Khóa An cư chư Ni
Trong mấy mươi năm qua, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương luôn là điểm an cư chung của Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Mỗi khóa như vậy khoảng 140 vị chính thức và trên 120 vị tùng hạ.
Thời gian nhập hạ: 16 tháng 4 (nhuần) năm Canh Tý. Thời gian giải hạ: 10 tháng 7 năm Canh Tý.
Ngoài ra, tại TP. HCM có thêm 2 hạ trường: Tịnh xá Ngọc Phú (Q. Tân Bình) và TX. Ngọc Điểm (H. Hóc Môn).
Ngoài ra, còn có điểm như Tịnh xá Ngọc Trung (An Khê – Gia Lai) là điểm An cư của chư Ni Giáo đoàn III. Số lượng mỗi năm được 60-70 vị. Thời gian nhập hạ: Mùng 10 tháng 4 (nhuần) năm Canh Tý. Thời gian giải hạ: Mùng 10 tháng 7 năm Canh Tý. Một số điểm An cư của Ni giới Hệ phái Khất sĩ như Tịnh xá Ngọc Tâm (Long An), Ngọc Ninh (Ninh Thuận), Ngọc Thạch (Bình Thuận). Trong 3 tịnh xá này, Tịnh xá Ngọc Tâm (Long An) như là tịnh xá tiêu biểu thứ 2 của Ni giới về tổ chức An cư.
Nội dung giảng dạy và thời lượng tu tập cũng như sự quan tâm giáo dưỡng của các bậc Tôn túc đối với hành giả nhỏ hạ là điều vô cùng cần thiết.
Đây là cơ hội để chư Tôn đức quan tâm, dạy dỗ theo từng căn tánh của mỗi hành giả, hơn là chỉ đến buổi nghe học từ chương cho có kiến thức. Mặc dù kiến thức cũng vô cùng quan trọng đối với hành giả, nhưng việc trau dồi giới hạnh oai nghi vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu.
5. Lễ Tự Tứ
Lễ Tự Tứ là một đại lễ rất thiêng liêng trong Phật giáo. Ngày nay nhiều Giáo đoàn vẫn còn giữ được chất thiêng liêng và đúng pháp này, song cũng có Giáo đoàn không còn nghiêm túc nữa. Việc thành khẩn sám hối trước đại Tăng 3 việc thấy, nghe, nghi sau một năm tu học là điều vô cùng quan trọng để tẩy rửa những cặn bã của tâm thức, những ô nhiễm của thân khẩu. Do đó, việc này nên được chuẩn hóa bằng văn bản do Hệ phái ban hành để vừa đảm bảo được nội dung của lễ Tự tứ và cũng đảm bảo thời gian cho đại chúng. Vì có hội chúng hơn 200 vị Tỳ-kheo thì việc quỳ lên tác pháp sám hối từng vị và được sự chỉ lỗi đúng pháp cho từng vị là điều cần phải cân nhắc để vừa đảm bảo được tính chất thiêng liêng, đúng pháp và có tác dụng giáo dục, nhắc nhở thật sự hơn là hình thức.
Một điều khác mà chúng ta nên quan tâm, đó là cách quản lý lỏng lẽo của Tăng đoàn, khi Tăng sĩ trong đoàn của mình không về tham dự lễ sám hối khi mùa Tự tứ về. Việc này không những dẫn đến sự chai lỳ trong tâm thức của người tu mà còn có thể khởi lên tâm kiêu mạn, khinh thường giáo luật và tổ chức Tăng đoàn. Đây là một điều đáng được báo động cho sự suy vi của Tăng đoàn, nếu không kịp chấn chỉnh kịp thời.
6. Bổ nhiệm trụ trì
Có 2 vấn nạn đang diễn ra:
Một là từ một tịnh thất, tịnh xá do chính vị ấy xây dựng nên, mà chưa được sự đồng ý của Bổn sư, mà tự ý liên hệ với các BTS GHPG cấp huyện/ tỉnh để được bổ nhiệm. Tình trạng này dẫn đến các vị trụ trì có thể yếu kếm về đạo hạnh và trí tuệ, hoặc có khuynh hướng ly khai Giáo đoàn, chỉ dựa vào GHPGVN, tạo sự chia rẽ trong nội bộ Tăng đoàn.
Trường hợp 2 là kế thừa vị trụ trì, nên cần phải bổ nhiệm mới. Một số nơi chư huynh đệ thiếu đoàn kết, hòa hợp nên dẫn đến sự tranh giành ảnh hưởng Phật tử, phe cánh, chống báng lẫn nhau. Đây là dấu hiệu của sự suy vong Phật pháp. Nhiều ngôi tịnh xá tuy vẻ bên ngoài thật là nguy nga tráng lệ, nhưng tình huynh đệ trong Tăng đoàn bị rạn nứt bởi mồi danh bả lợi, dẫn đến sự phân cách huynh đệ, không nghe theo sự chỉ dạy của các bậc Tôn trưởng. Những trường hợp như vậy thật đau lòng và đáng suy ngẫm.
Giải pháp cho vấn nạn trên đòi hỏi Ban Tăng sự Giáo đoàn, rộng ra là Hệ phái cần quản lý chặt chẽ. Vị nào được bổ nhiệm làm trụ trì phải là các vị có tâm hạnh Bồ-tát độ tha. Vị ấy đầy đủ phẩm chất cao thượng của người xuất gia, đầy đủ tâm từ bi lớn và trí huệ lớn, đầy đủ phước báu nhân duyên và phương tiện độ sanh. Nếu không có đủ các phẩm chất này, các vị Tôn trưởng của Giáo đoàn nên khích lệ các vị ấy ở chúng để thúc liễm thân tâm, giồi trau đức trí, chuyên tu để thành tựu đạo nghiệp của mình, hơn là ra bên ngoài để rồi bị các dòng nước xoáy cuộc đời cuốn phăng đi.
7. Tấn phong Giáo phẩm
Hiện tại việc tấn phong giáo phẩm trong Giáo hội cũng cần phải đặt ra và thảo luận.
Có các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Đúng tuổi và làm đầy đủ thủ tục giấy tờ trùng khớp với Giáo chỉ tấn phong của Giáo hội.
Trường hợp 2: Đúng hạ lạp mà không chịu làm giấy tấn phong. Trong trường hợp này, các Giáo đoàn nên thuận theo Nội quy Ban Tăng sự đủ 25 hạ lạp tấn phong lên hàng Thượng tọa. Vì có nhiều vị vì một vài lý do nên không có điệp đàn của Giáo hội, nên Giáo đoàn vì tôn trọng sự tu hành của vị ấy mà tấn phong. Trường hợp này Giáo đoàn III đã làm như thế.
Trường hợp 3: Làm thủ tục giấy tờ sớm hơn hạ lạp mình có, vì có những đóng góp với BTS GHPGVN hoặc các Ban / Viện Trung ương. Điều này gây xáo trộn trật tự trong huynh đệ đồng môn. Thiết nghĩ rằng việc này không cần thiết như vậy. Việc tu học giải thoát của một vị xuất gia không chỉ y cứ vào giáo phẩm này.
Nói tóm lại, việc tấn phong Giáo phẩm Giáo hội nên được thông qua Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, để từ đó có sự tôn ti, tôn kính, hòa hợp, thứ lớp ổn định trong Tăng đoàn.
8. Ra cất tịnh xá và thất riêng
- Đây là một vấn nạn của Giáo hội, không riêng gì Hệ phái Khất sĩ. Các Sư / Sư cô còn nhỏ tuổi vì không chịu nổi sự quản lý nghiêm túc trong giới luật Tăng-già nên ra cất thất riêng để tự do sinh hoạt theo tư ý của mình. Điều này khiến cho Phật pháp bị suy vi, tín tâm Phật tử bị cạn kiệt.
- Ngày nay nhiều ngôi tịnh xá mới được thành lập quá gần với nhau, hoặc quá gần với cơ sở thờ tự Phật giáo khác, không quá 2-3 km, trong cùng một xã, tạo nên khó khăn cho người quản lý Nhà nước và Giáo hội. Các vị lại không trình chư Tôn đức lãnh đạo về việc cất thất, xây tịnh xá này. Các vị trụ trì ở khu vực ấy lại ngại đụng chạm với các vị Bổn sư của các vị mới đến. Khi xong rồi mới báo cáo lên Giáo đoàn thì mọi việc đã lở dở hết rồi. Đây là một bất cập cần phải khắc phục. Hiện nay rất nhiều vùng sâu, vùng cao cần có bóng dáng chư Tăng / Ni hành đạo. Dĩ nhiên những nơi ấy sẽ khó và khổ hơn ở những nơi thành thị, nhưng chúng ta đi tu vì lẽ gì, cất am cốc, tịnh xá vì điều gì? Đó là điều cần phải suy gẫm.
9. Sắc phục Khất sĩ
“Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng “thầy tu cũng không thể thiếu chiếc áo”. Do đó, mỗi truyền thống, dân tộc đều có sắc phục riêng. Đối với tôn giáo cũng vậy, có pháp phục (lễ phục) và thường phục. Chư Tăng Ni Khất sĩ có pháp phục truyền thống của Khất sĩ đã được Tổ sư Minh Đăng Quang quy định thành điều luật. Do đó, việc thay đổi y phục là điều bất đắc dĩ.
Ngày nay, một số Sư thay đổi y phục khi ra đường, thay vì đắp y trang nghiêm, các Sư lại mặc áo nhật bình hoặc áo tràng bên Phật giáo Bắc tông. Có vị chỉ mặc đồ ngắn. Điều này khiến cho nhiều Tăng Ni quen nếp sống uy nghi trong chùa, ra đường thấy các vị mặc y phục thiếu trang nghiêm như thế này rất lấy làm khó chịu, và Phật tử thuần thành hiểu đạo cũng không hoan hỷ với việc này. Các Sư và Phật tử thuộc Hệ phái Khất sĩ, khi thấy hiện tượng này cũng rất tủi thẹn, vì pháp phục của Hệ phái không được trân quý.
Một điều khác là pháp phục khi trong các sự kiện lễ hội. Vị thì đắp y lum, vị thì đắp y vai trái, vị thì mặc áo, vị thì trịch áo bày vai hữu. Điều này tạo nên sự không đồng bộ trong thọ trì giới luật, thiếu tính tổ chức như Luật đã ban hành. Do đó, rất mong chư Tôn đức Giáo phẩm quan tâm để việc đồng bộ về sắc phục, pháp phục, cách đắp y, liên hệ đến việc thọ trì giới luật được chỉnh chu một cách trọn vẹn.
10. Software quản lý Tăng sự Hệ phái
Đây là một software rất cần thiết cho Hệ phái trong công tác quản lý. Hiện nay, Ban Tăng sự đang tiến hành thực hiện. Hòa thượng Giác Pháp sẽ đảm nhiệm việc xin tịnh tài của các Giáo đoàn hoặc vận động Phật tử cúng dường. TT. Giác Hoàng sẽ là người thực hiện chương trình này.
Đáng lẽ ra, chương trình này đã xong từ lâu, nhưng do vì yếu tố kinh tế nên việc hoàn thiện một software vẫn chưa xong.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái thuyết giảng tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 Ngày thứ hai - Thứ Ba, 12:57 06-06-2023 - xem: 200 lần
- TP.HCM: Trưởng lão HT. Giác Giới thuyết giảng ngày đầu tiên của khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 - Thứ Hai, 22:22 05-06-2023 - xem: 399 lần
- TP. HCM: Khai mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP. Thủ Đức) - Thứ Hai, 13:20 05-06-2023 - xem: 634 lần
- Báo cáo Tổng kết Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì lần thứ 17, PL. 2564 - DL. 2020 - Hệ phái Khất sĩ - Thứ Ba, 12:18 07-07-2020 - xem: 3552 lần
- Báo cáo Quỹ Pháp học Khất sĩ 2020 - Thứ Bảy, 12:42 20-06-2020 - xem: 3621 lần
- Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ - Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020 - xem: 3825 lần
- Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ - Thứ Sáu, 18:23 19-06-2020 - xem: 3762 lần
- Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020 - Thứ Tư, 20:16 17-06-2020 - xem: 4503 lần
- Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì - Thứ Ba, 19:59 16-06-2020 - xem: 4482 lần
- Bế mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì, PL. 2564 – DL. 2020 - Thứ Ba, 05:12 16-06-2020 - xem: 4366 lần
- HT. Giác Toàn: Thăm đại chúng buổi cuối cùng trong khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2020 - Thứ Ba, 11:30 16-06-2020 - xem: 4049 lần
- Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới - Thứ Hai, 16:18 15-06-2020 - xem: 4552 lần